Chất lượng không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh,… đã và đang là vấn đề được người dân quan tâm. Là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, bụi mịn là khái niệm mà chúng ta cần thiết phải biết đến và nhìn nhận sự ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống.
1. Bụi mịn là gì?
Trong khoa học chuyên môn, bụi mịn gắn liền với cụm từ chuyên môn: Particulate Matter (PM), có thể tạm dịch là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng). Để miêu tả các hạt bụi có kích thước khác nhau, người ta sử dụng các cụm ký hiệu khác nhau ví dụ như PM 10 tương ứng với những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (bụi mịn). Hay PM2,3 là những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (bụi siêu mịn).
2. Nguồn gốc của bụi mịn
Bụi bao gồm bụi hữu cơ và bụi vô cơ. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn thì phần lớn bụi là bụi vô cơ, sản sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, ví dụ như: khói phương tiện giao thông, khói từ các nhà máy, hộ sản xuất,… Đi cùng với loại bụi này là các chất hóa học như nito, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại.
Chất lượng không khí đi xuống bên cạnh sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất thì còn do lượng cây xanh bị hạn chế, thời tiết thay đổi theo chiều hướng phức tạp.
3. Sự xâm nhập của bụi vào cơ thể con người
Về cơ bản, có thể hiểu rằng kích thước của hạt bụi càng nhỏ thì chúng càng dễ dàng thâm nhập sâu vào trong cơ thể của chúng ta. Ví dụ như hạt bụi với kích thước 5-10 µm, chúng sẽ bị giữ lại ở mũi và họng. Trong khi đó những hạt có đường kính 2-3µm lại có thể thâm nhập đến phế quản. Nói cách khác hạt bụi có đường kính càng nhỏ thì có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể của chúng ta. Chúng chính là các tác nhân gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
4. Tác hại của bụi mịn
Với kích thước siêu nhỏ của mình thì bụi mịn dễ dàng xâm nhập vào hệ thống hô hấp và các bộ phận khác. Ảnh hưởng tiêu cực có thể nhận thấy ngay đó là ho, khó thở, khô mũi, kích ứng mắt,… Các hạt bụi có kích thước siêu nhỏ thâm nhập vào vào các cơ quan hô hấp sẽ gây ra các bệnh như viêm phế quản mãn tính, viêm xoang ở người lớn, làm giảm chức năng của phổi.
Không chỉ là bệnh hô hấp, bụi mịn còn khiến con người phải đối mặt với các bệnh về gan. Chúng làm gia tăng khả năng mắc bệnh xơ gan cũng như các về bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan.
Tim và não cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của bụi mịn hay bụi siêu mịn. Chất lượng không khí thấp gây ra hiện tượng mất tập trung. Não bộ cũng có xu hướng lão hóa nhanh hơn khi phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Bụi mịn, bụi siêu mịn sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đến trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh về hô hấp. Những người phải lao động ngoài trời, đặc biệt là trong thời gian dài phải mặt với nguy cơ suy giảm sức khỏe.
5. Bảo vệ bản thân trước bụi mịn
Hãy tạo thói quen đeo khẩu trang cho chính mình và người thân. Bạn cũng nên là người tiêu dùng thông thái và sử dụng các loại khẩu trang đạt chuẩn. Giảm thiểu thời gian ở ngoài đường, đặc biệt là vào giờ cao điểm sẽ là một việc khá khó nhưng sẽ giúp ích rất nhiều nếu bạn có thể. Thay quần áo và vệ sinh thân thể khi trở về nhà cũng sẽ làm giảm chất ô nhiễm bên ngoài xâm nhập vào không gian sống. Việc từ bỏ thói quen hút thuốc cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí rất nhiều. Ngoài ra, hãy nâng cao sức đề kháng thông qua ăn uống và tập luyện theo khoa học.
Tạo không gian xanh cho gia đình và nơi công cộng. Với các gia đình có ban công thì các cây cảnh không chỉ làm đẹp mắt mà còn giúp không gian sống trong lành hơn. Hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại lưới ngăn côn trùng và bụi dùng cho cửa sổ. Đây sẽ là một lựa chọn không tồi, đặc biệt là với gia đình có trẻ nhỏ. Đối với không gian công cộng, như sân chơi của trẻ em,… chúng ta có thể nâng cao chất lượng không khí thông qua việc trồng cây. Một cái cây có thể thực hiện nhiệm vụ của máy lọc không khí. Nhiều loại cây có khả năng thanh lọc không khí rất tốt.